Di tích-Danh thắng-Lễ hội

Vị trí: Bãi biển Xuân Thành nằm trên địa phận xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cách Tp. Vinh (Nghệ An) khoảng 13km về phía đông, cách Tp. Hà Tĩnh khoảng 40km về phía bắc. Đặc điểm: Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào phong cảnh thiên nhiên trong lành, mát mẻ và rất hoang sơ.

Từ Tp. Vinh, theo quốc lộ 1A, qua cầu Bến Thủy - cây bắc qua sông Lam nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, du khách sẽ đến địa phận huyện Nghi Xuân. Từ đây, đi tiếp khoảng 5km nữa về phía đông, du khách sẽ đến với bãi biển Xuân Thành.
Bãi biển Xuân Thành trải dài hơn 5km với độ dốc thoai thoải. Nước biển ở đây có độ mặn vừa phải, trong, xanh và rất sạch. Nơi đây đã được đầu tư, xây dựng một số nhà nghỉ, nhà hàng phục vụ du khách nhưng vẫn ở quy mô nhỏ; vì vậy, du khách khi đến đây vẫn còn được chiêm ngưỡng một phong cảnh thiên nhiên bao la, nguyên sơ: núi, rừng và biển ngút tầm mắt...
Ðiều đặc biệt, nơi đây có một dòng sông nước ngọt mang tên Mỹ Dương bắt nguồn từ núi Hồng Lĩnh chảy song song theo chiều dài bãi biển. Sông không sâu nhưng nước không bao giờ cạn. Hai bên bờ sông là thảm thực vật xanh tốt. 

f


Từ bãi biển Xuân Thành, nếu du khách muốn thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên trong khu rừng phòng hộ ngăn gió bão, mưa lũ cho khu dân cư phía trong bờ; du khách phải vượt qua cây cầu bắc ngang sông Mỹ Dương.
Một điều làm nên sức hấp dẫn của bãi biển Xuân Thành, đó là: Sau mỗi lần dạo bước trên bãi biển, ngâm mình trong sóng nước và ngắm nhìn hệ thống đảo: đảo Ngư, đảo Mắt nối tiếp nhau, thấp thoáng phía chân trời; du khách lại được thưởng thức các món ẩm thực chế biến từ các loại hải sản: cua, ghẹ, tôm, mực, sò huyết, cá ngựa... với giá cả hợp lý, phải chăng.
Nếu có dịp tới bãi biển Xuân Thành, ngoài việc thưởng ngoạn cảnh đẹp của biển, du khách hãy tham gia tour tham quan một số các di tích văn hóa khác như: khu lưu niệm cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Công Trứ, làng ca trù Cổ Đạm... Các di tích này đều ở huyện Nghi Xuân và rất gần bãi biển Xuân Thành.
Ngoài ra trên địa bàn xã còn có 01 di tích lịch sử cấp quốc gia đó là khu mộ và nhà thờ Trịnh khắc Lập

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA

KHU LƯU NIỆM MỘ VÀ NHÀ THỜ ANH HÙNG,

CHÍ SỸ YÊU NƯỚC TRỊNH KHẮC LẬP

Tiểu sử của Anh hùng, chí sỹ yêu nước Trịnh Khắc Lập:

Trịnh Khắc Lập sinh năm 1870, hi sinh năm 1908. Ông được sinh ra và lớn lên tại làng Đông Hội, nay là xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là học sinh trường ba (Tú tài) ở Hà Tĩnh, là một chí sĩ yêu nước, từng tham gia phong trào Cần Vương, do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Năm 1908, ông là một trong những người khởi xướng lãnh đạo cuộc bạo động chống sưu thuế ở Hà Tĩnh.

Hoàn cảnh hy sinh của Anh hùng, chí sỹ yêu nước Trịnh Khắc Lập:

Tú tài Trịnh Khắc Lập đã tham gia Hội Duy Tân (1904) do Cụ Phan Bội Châu và một số chí sỹ trong nươc lập ra nhằm mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, đánh đuổi thực dân Pháp giành lại độc lập cho dân tộc.

          Ông là một trong những lãnh tụ xuất sắc của phong trào “Cự sưu kháng thuế” ở Hà Tĩnh, là bạn chí cốt của Nguyễn Hằng Chi ở Can Lộc. Với lực lượng nòng cốt ở làng Đông Hội như Trịnh Yên, Trịnh Xuyên, Phan Chiên, Phan Cẩn, sáng 22/5/1908, ngay giữa chợ Giang Đình, ông Trịnh Khắc Lập đã ngang nhiên nhảy lên bàn, hùng hồn diễn thuyết, tố cáo tội ác của thực dân, phong kiến, kêu gọi mọi người đoàn kết, vùng dậy đấu tranh, đòi bọn thống trị giảm sưu cao, thuế nặng.

          Ngày 23/5/1908, theo thỏa thuận từ trước với Nguyễn Hằng Chi về kế hoạch tổng biểu tình, kéo vào tỉnh đường trực diện đòi bọn công sứ Pháp và quan lại Nam triều giảm sưu, thuế cho dân nghèo Hà Tĩnh, ông đã dẫn đầu hơn 200 người Phan Xá, cơm gói, muối đùm, nón cời, tơi rách kéo lên huyện lỵ. Khi đi qua chợ Giang Đình, hàng trăm người đang họp chợ tình nguyện gia nhập đoàn biểu tình. Họ vừa đi vừa hô vang yêu cầu đòi giảm sưu thuế, xông vào huyện đường bắt tri huyện Lê Trần Thụy trói lại và buộc theo đoàn biểu tình kéo vào tỉnh lỵ. Đi được hơn 20 cây số vừa đến Cồn Gồ (đầu xã Đậu Liêu - Can Lộc) thì bị tên Bácbuýt chỉ huy hơn 30 lính lê dương ở thị xã kéo ra chặn lại. Tên này xảo quyệt đã chấp nhận bản yêu sách của dân nghèo huyện Nghi Xuân do Trịnh Khắc Lập thảo ra rồi ngon ngọt thuyết phục đoàn biểu tình quay trở về huyện đường để giải quyết.

          Vì mất cảnh giác, thiếu kinh nghiệm đấu tranh nên Trịnh Khắc Lập đã đồng ý và cởi trói cho tên tri huyện, kéo nhay trở về Nghi Xuân. Đến huyện đường, tên Bácbuýt đã tráo trở ra lệnh cho lính bắt trói Trịnh Khắc Lập, đàn áp những người biểu tình. Mất người chỉ huy, cuộc biểu tình đòi giảm sưu, thuế buộc phải giải tán.

          Hoảng hốt trước phogn trào “Cự sưu kháng thuế”, công sứ Pháp thúc ép bọn Nam triều ở Hà Tĩnh xử chém Trịnh Khắc Lập. Chúng giải ông về chợ Giang Đình để hành hình hòng uy hiếp nhân dân Nghi Xuân. Bất chấp sự ngăn cản của quân thù, bà con họ Trịnh và nhân dân làng Đông Hội đã giành lại thi thể ông đem về quê nhà mai táng. Con cháu dòng họ đã lập nhà thờ hương khói phụng thờ và lập mộ chí cho ông.

Khu lưu niệm mộ và nhà thờ Anh hùng, Chí sỹ yêu nước Trịnh Khắc Lập:

Nhà thờ được xây dựng ở vị trí trung tâm của xã Xuân Thành, bên bờ bãi tắm thơ mộng. Do ở gần biển nên kiến trúc nhà thờ cũng được cấu tạo theo mô tip của nhà ở cư dân vùng ven biển, thấp và chắc để tránh gió bão. Nhà thờ quay về hướng Nam, với cấu trúc 3 gian, kết cấu đơn giản sử dụng theo hướng dọc của ngôi nhà. Từ ngoài vào gian thứ nhất được bố trí làm tiền sảnh. Mặt tiền có 2 hàng cột quyết, trên đắp một số câu đối bằng chữ Hán, đáng chú ý có câu:

"Công đức bất thiên quang tạo hữu

Tinh thần như tại kiến tường giang"

(Công đức ấy sáng ngời đất nước

Tinh thần này vằng vặc non sông).
 

nha tho

 

Hình ảnh: Nhà thờ anh hùng, chí sỹ yêu nước Trịnh Khắc Lập

Mặt trên của tiền sảnh đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, tọa trên một cuốn thư đắp nổi 4 chữ Hán "Trịnh Khắc Lập từ" (Nhà thờ Trịnh Khắc Lập). Qua tiền sảnh là vào gian điện thờ, phía trên có bức đại tự "Trung nghĩa đường", ở đây chính giữa có hương án, trên đó đặt long ngai bài vị thờ Trịnh Khắc Lập. Hai bên là bàn thờ các gia nhân vọng tộc có tiếng trong họ.

Mộ Trịnh Khắc Lập trước đây được táng ở một khu đất thuộc khuôn viên gia đình ông. Năm 1995, con cháu và chính quyền địa phương đã di dời ra sau nhà thờ của ông, tạo thành quần thể "tiền miếu hậu lăng". Mộ được xây dựng với quy mô lớn theo kiểu chữ Công, xung quanh mộ có tường bao, trên đầu mộ có dựng bia đá đề chữ "Phần mộ Chí sĩ yêu nước Trịnh Khắc Lập (1870-1908).
 

khu mộ

 

Hình ảnh: Mộ anh hùng, chí sỹ yêu nước Trịnh Khắc Lập

Khu lưu niệm mộ và nhà thờ Anh hùng Chí sỹ yêu nước Trịnh Khắc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 24/01/1998.